Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày giải phóng miền nam 30/04, ngày quốc tế lao động 1/5. Chúng ta ai cũng nô nức chờ đợi đến kỳ nghỉ dài này. Chúng ta có cơ hội nghỉ ngơi, tạm gác lại mọi bề bộn của cuộc sống, được về đoàn tụ bên những thân yêu của mình. Thật là hạnh phúc!
Rất nhiều chủ doanh nghiệp (DN), nhân dịp lễ lớn này, muốn bầy tỏ sự tri ân với người lao động; họ có kế hoạch chi bằng tiền trung bình từ 500.000 đồng đến 1.000.000đ/người; thậm chí lớn hơn nhiều, tùy thuộc vào khả năng tài chính của mỗi DN. Việc làm này thực sự có ý nghĩa, vừa như sự động viên, vừa thể hiện sự quan tâm chân thành của doanh nghiệp tới bản thân và gia đình người lao động, làm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp…
Tuy nhiên các chủ DN, các bạn kế toán không khỏi đang băn khoăn:
Khoản chi này có được trừ không?
Khi nhận thu nhập này, người lao động có phải nộp thuế thu nhập cá nhân?
Khoản này hạch toán thế nào?
Như một sự chia sẻ, tôi xin có đôi dòng nhận xét về mặt chuyên môn về các vấn đề nêu trên, với mong muốn niềm vui nhân ngày lễ lễ lớn này của chúng ta càng thêm trọn vẹn!
Trả lời:
PHẦN 1 – KHOẢN CHI 30/04; 01/05 CÓ ĐƯỢC TRỪ ?
– Căn cứ Khoản 1 Điểm 4 Thông tư 96/2015/ TT-BTC quy định về 3 điều kiện của Chi phí được trừ.
– Căn cứ khoản 2.30 Điểm 4 Thông tư 96/2015/ TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điểm 2.31 Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, “2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:
“- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác…
Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
1/VẬY ĐỂ KHOẢN CHI NÀY LÀ CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ, DN CẦN CHỨNG MINH:
+ Khoản chi 30/04 & 01/05 thuộc danh mục các khoản chi “có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động” được quy định tại 2.30 Điểm 4 Thông tư 96/2015/ TT-BTC
+ Chú ý tổng các khoản chi này trong năm 2019 không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
+ Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
+ Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên cần thanh toán không dùng tiền mặt
2/BẰNG CHỨNG KẾ TOÁN TIN CẬY
+ Hợp đồng lao động phù hợp với quy định của Bộ luật lao động, trong đó có thỏa thuận rõ về khoản chi này của DN với người lao động
+ Quy chế tài chính của Doanh nghiệp, trong đó có quy định cụ thể về các Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động
+ Tờ trình Tổ chức công đoàn hoặc Bộ phận hành chính nhân sự trình Giám đốc, Phòng Tài chính kế toán phê duyệt kế hoạch chi hỗ trợ đi lại ngày lễ 30/04 &01/05 cho người lao động
+ Sổ sách, chứng từ kế toán chứng minh, khoản chị trên thuộc Tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
+ Chứng từ thanh toán khoản chi phúc lợi, được người lao động ký nhận
PHẦN 2 – CHI 30/04 &1/05 HẠCH TOÁN THẾ NÀO?
Nợ TK 6428/ Có TK 111,112 = Số tiền thực chi
(Có chứng từ duyệt chi và thanh toán chi tiết kèm theo)
PHẦN 3 – KHI NHẬN TIỀN 30/04 & 1/05 NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ PHẢI NỘP THUẾ TNCN?
Căn cứ khoản 2a Điều 2 Thông tư 111/2013/TT –BTC quy định về “Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm: a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.”
Căn cứ tiết g.10 điểm g khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT –BTC khoản “ Không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN…”; Căn cứ Khoản 5 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC 5. Bổ sung tiết g.10 điểm g khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT –BTC bổ sung thêm khoản sau Không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
“g.10) Khoản tiền nhận được do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động theo quy định chung của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp”
- Căn cư vào quy định trên: khoản tiền 30/04& 01/05 người lao động nhận được từ DN là khoản thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động, không phải là một khoản thu từ hiếu hỉ, nên các Doanh nghiệp cần lưu tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động khoản thu nhập này nhé!
Chúc các chủ DN, các bạn kế toán & mọi người lao động có những ngày nghỉ lễ vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình!